Hàn bị dính que là tình trạng có thể xảy ra khi sử dụng máy hàn que. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Biết được nguyên nhân sẽ giúp bạn khắc phục và phòng tránh hiệu quả.
Hàn que hay còn gọi là hàn hồ quang tay là quá trình hàn điện nóng chảy sử dụng điện cực dưới dạng que hàn (thường có thuốc bọc) và không sử dụng khí bảo vệ, trong đó tất cả các thao tác (gây hồ quang, dịch chuyển que hàn, thay que hàn, vv…) đều do người thợ hàn thực hiện bằng tay.
Hàn bị dính que là tình trạng mà hầu hết người chưa có kinh nghiệm hàn đều mắc phải. Khi hàn que bị dính, máy hàn sẽ kêu to hơn bình thường. Khi đó quá trình hàn không được thực hiện như bình thường nữa. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì?
Hàn que bị dính do nhiều nguyên nhân khác nhau:
- Cường độ dòng điện yếu:
Để học được kỹ thuật hàn, trước hết bạn phải học cách điều chỉnh cường độ dòng điện. Cường độ dòng điện quá thấp sẽ dễ dẫn đến hàn hay bị dính que, hàn không ngấu và mối hàn bị ngậm xỉ. Nếu cường độ dòng điện quá cao sẽ gây văng tóe hoặc làm thủng vật hàn trong trường hợp hàn những vật liệu mỏng.
- Lựa chọn que hàn không phù hợp.
Lựa chọn que hàn dựa vào chiều dày của vật hàn, chiều dày vật hàn càng lớn thì đường kính que hàn càng lớn. Nếu lựa chọn que hàn không đúng sẽ làm thủng vật hàn, việc lựa chọn que hàn phù hợp ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của mối hàn.
- Chất lượng que hàn:
Chất lượng que hàn có ảnh hưởng lớn đến chất lượng mối hàn. Có thể do trong quá trình bảo quản không tốt nên que hàn bị ẩm hoặc bị vỡ lớp thuốc bọc.
Cần có các biện pháp bảo quản que hàn đúng cách, tránh tiếp xúc với môi trường ẩm ướt. Phải có biện pháp sấy que hàn trước khi hàn để đảm bảo mối hàn tốt nhất.
- Khoảng cách que hàn đến vật hàn quá gần.
Trong quá trình hàn việc giữ khoảng cách giữa que hàn và vật hàn đòi hỏi sự thợ hàn phải có kỹ thuật nhất định, nếu khoảng cách quá gần sẽ làm dính que hàn, nếu khoảng cách quá xa thì sẽ không gây được hồ quang hàn.
Tương ứng với từng nguyên nhân là cách khắc phục tương ứng.
Nếu đầu que hàn bị mất thuốc bọc ở phần đầu chỉ còn phần sắt, các bạn tận dụng vật hàn sắt thừa không dùng đến, để hàn quệt lên đó (giống như cách quẹt diêm), khi đó phần sắt ở đầu que hàn cháy hết và rụng đi. Lúc này, bạn có thể tiếp tục hàn mà không còn bị dính que nữa.
Bạn cần phải lưu ý thêm đó là không dùng que hàn lớn cho máy hàn không đủ công suất tải. Ví dụ như bạn sử dụng máy hàn mini (máy hàn này công suất thường thấp và chỉ hàn được que 2.5ly) để hàn que 4 ly thì nó sẽ không tải được, gây ra sụt áp điện thường xuyên, không những hàn que kém chất lượng, bị dính que mà còn rất dễ hỏng máy, giảm tuổi thọ của máy.
Bên cạnh đó, việc bảo quản que hàn cũng cần phải lưu ý. Que hàn cần phải được bảo quản tốt, cất trữ ở những nơi thoáng mát. Trong trường hợp que hàn bị rỗ quá nhiều hoặc ẩm mốc thì nên bỏ đi và dùng loại que hàn mới.
Hy vọng với những chia sẻ của chúng tôi trên đây bạn đã biết cách xử lý tình trạng hàn bị dính que và phòng tránh được tình trạng này.